4. Tầm quan trọng của Tuyên bố Môi trường Sản phẩm (EPD) trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tuyên bố Môi trường Sản phẩm (EPD) đang dần trở thành tiêu chí bắt buộc tại nhiều thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ đối với sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng. Đây là công cụ minh bạch hóa dữ liệu về tác động môi trường của sản phẩm trong toàn bộ vòng đời, từ khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng cho đến xử lý cuối vòng đời.
Việc sở hữu EPD giúp doanh nghiệp chứng minh các thông tin môi trường đã được xác minh độc lập bởi bên thứ ba uy tín theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14025. Điều này không chỉ nâng cao độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt từ đối tác, khách hàng và cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, EPD là "tấm vé thông hành" giúp dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính, đồng thời khẳng định cam kết phát triển bền vững và trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng EPD giúp doanh nghiệp nhận diện các "điểm nóng" về phát thải trong chuỗi sản xuất, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả môi trường, giảm chi phí vận hành và nâng cao giá trị thương hiệu. Tại Việt Nam, việc triển khai EPD đang là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu.